Loài cây từng mọc hoang, giờ là ‘bảo bối’: Vừa đẹp, vừa giải độc không khí, tốt cho phong thủy trong nhà

Loại cây này hiện nay được nhiều gia đình ưa chuộng để trồng làm cảnh. Tuy nhiên, ít người biết rằng nó còn có khả năng hấp thụ hàng loạt chất độc tồn tại trong không khí trong nhà.

Cây lưỡi hổ là một trong những loài cây cảnh quen thuộc và phổ biến nhất trong đời sống hằng ngày ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Cây được trồng rộng rãi tại nhà riêng, văn phòng, quán cà phê, khách sạn, thậm chí trong bệnh viện.

Lưỡi hổ có mặt ở khắp nơi – từ nông thôn đến thành thị, từ nhà phố đến chung cư – nhờ đặc tính dễ sống và hình dáng hiện đại. Cây có dáng thẳng đứng, lá xanh đậm viền vàng hoặc trắng, rất dễ nhận biết. Cây cần rất ít nước, không yêu cầu ánh sáng mạnh – phù hợp để trồng trong nhà và không tốn công chăm sóc.

Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho biết: Cây lưỡi hổ còn được gọi với nhiều tên khác như hổ vĩ mép lá vàng, lưỡi cọp xanh, đuôi hổ, hổ vĩ lan, kim biên hổ vĩ lan… Tuy nhiên, tên gọi phổ biến và quen thuộc nhất vẫn là cây lưỡi hổ.

Lưỡi hổ là loài cây sống bền, có khả năng chịu nóng và khô hạn rất tốt. Ngay cả khi thiếu ánh nắng mặt trời, cây vẫn có thể phát triển bình thường. Cây thuộc nhóm cây mọng nước, mọc thẳng từ gốc, có thân rễ. Tại Việt Nam, trước đây lưỡi hổ từng mọc hoang ở nhiều vùng núi và đồng bằng, nhưng ngày nay đã được trồng phổ biến trong các hộ gia đình như một loại cây cảnh.

Loài cây từng mọc hoang, giờ là ‘bảo bối’: Vừa đẹp, vừa giải độc không khí, tốt cho phong thủy trong nhà- Ảnh 1.

Cây lưỡi hổ.

Theo bác sĩ Vũ, lưỡi hổ là một trong những loài cây có khả năng lọc không khí trong nhà rất hiệu quả. Một nghiên cứu của NASA (Nghiên cứu Làm sạch Không khí năm 1989) đã chỉ ra rằng cây lưỡi hổ có thể hấp thụ và loại bỏ một số chất ô nhiễm phổ biến trong không khí như:

- Formaldehyde (có trong sơn, chất tẩy rửa, mỹ phẩm);

- Benzene (từ khói thuốc, sơn);

- Xylene, Toluene;

- Nitrogen oxides (NOx).

Trong đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp formaldehyde và benzene vào nhóm chất gây ung thư nhóm 1, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Một điểm đặc biệt ở cây lưỡi hổ là, khác với hầu hết các loài cây chỉ quang hợp vào ban ngày, lưỡi hổ vẫn có thể hấp thụ CO₂ và nhả O₂ vào ban đêm, thông qua cơ chế quang hợp CAM (Crassulacean Acid Metabolism – chu trình chuyển hóa axit của thực vật họ lá bỏng). Đây là điều rất hiếm thấy trong thế giới thực vật.

Nhờ cơ chế này, cây rất phù hợp để đặt trong phòng ngủ, giúp cải thiện chất lượng không khí vào ban đêm, từ đó hỗ trợ giấc ngủ ngon – theo bác sĩ Vũ.

Ngoài ra, cây lưỡi hổ trong phong thuỷ còn tượng trưng cho sức mạnh và sự bảo vệ. Lưỡi hổ được xem là bùa hộ mệnh, giúp xua đuổi tà khí, ngăn chặn điều xấu và bảo vệ gia chủ khỏi năng lượng tiêu cực.

Cây còn được coi là biểu tượng của tài lộc, thịnh vượng, nhất là khi được đặt đúng hướng. Với dáng lá hướng lên trời, cây tượng trưng cho sự vươn lên, phát triển và thành công trong sự nghiệp, kinh doanh. Cây mang nguồn năng lượng dương, giúp cân bằng trường khí, tăng sự tập trung, giảm căng thẳng, thích hợp đặt ở nơi làm việc, phòng học hoặc phòng khách.

Tác dụng tốt cho sức khỏe của cây lưỡi hổ

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi, cây lưỡi hổ được dân gian sử dụng như một vị thuốc. Lá tươi được dùng để chữa ho, viêm họng, khản tiếng. Cách dùng: lấy lá giã nát, thêm vài hạt muối, ngậm trong miệng và nuốt nước dần dần. Liều dùng mỗi ngày từ 6–12g lá tươi.

Ngoài ra, để chữa viêm tai có mủ, dân gian dùng lá lưỡi hổ giã nát, vắt lấy nước để nhỏ vào tai nhiều lần trong ngày.

Đỗ Tất Lợi cũng lưu ý, ngoài loại lưỡi hổ viền vàng thường thấy, còn có một loại khác cùng tên – Sansevieria guineensis Willd – có vằn đen ngang trên mặt lá như đuôi hổ. Loại này không được dùng làm thuốc, chỉ được trồng làm cảnh và đôi khi được khai thác làm sợi.

Link nội dung: https://khoedepvn.com/loai-cay-tung-moc-hoang-gio-la-bao-boi-vua-dep-vua-giai-doc-khong-khi-tot-cho-phong-thuy-trong-nha-a85557.html