5 câu nói này khi vợ chồng cãi nhau sẽ hủy hoại cuộc đời đứa trẻ

Không phải đòn roi, mà chính lời nói đã đẩy đứa trẻ vào cơn khủng hoảng.

Adele Farber, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ từng nói: "Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh lời nói của bạn đối với cuộc đời của một đứa trẻ". Mỗi lời chúng ta nói ra – dù là lời khen hay lời chê – đều được con tiếp nhận như chân lý. Trẻ khuếch đại mọi điều cha mẹ nói và lưu giữ chúng như một phần định nghĩa về chính mình.

Có những câu nói khi cãi nhau của cha mẹ để lại vết thương hằn sâu trong cuộc đời con cái.

5 câu nói này khi vợ chồng cãi nhau sẽ hủy hoại cuộc đời đứa trẻ- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

"Nếu không vì con, bố/mẹ đã ly hôn từ lâu rồi!"

Một câu buột miệng trong cơn giận của người lớn, lại gieo vào lòng trẻ cảm giác tội lỗi suốt đời. Viện Nghiên cứu Gia đình thuộc Đại học Bắc Kinh theo dõi 500 gia đình ly hôn và phát hiện: Trẻ em thường xuyên nghe cha mẹ dọa chia tay có tỷ lệ gặp khó khăn trong các mối quan hệ thân mật lên tới 79% khi trưởng thành. Bởi trong khoảnh khắc ấy, đứa trẻ trở thành "con tin của cảm xúc", mang trên vai gánh nặng của một cuộc hôn nhân đang mục ruỗng.

"Anh chẳng bao giờ làm được cái gì nên hồn!"

Tiếng quát của mẹ vang lên như một vết cứa ngang tim con. Trẻ con không chỉ nghe, mà còn cảm. Và khi người cha bị hạ thấp trước mặt con, cảm giác an toàn trong lòng trẻ cũng sụp đổ.

Các chuyên gia thần kinh học cảnh báo: Trẻ sống trong môi trường bạo lực ngôn ngữ dễ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, thiếu tự tin và hình thành cái nhìn tiêu cực về bản thân. Bởi cách cha mẹ nói về nhau – cũng là cách trẻ học để nhìn nhận chính mình.

"Xem bố người ta kìa, giỏi thế! Còn bố con thì..."

Lời so sánh tưởng nhắm vào bạn đời, nhưng người đau nhất – lại chính là con. Khi cha hoặc mẹ bị đem ra so sánh, hình ảnh điểm tựa trong tâm hồn trẻ cũng chao đảo. Trẻ bắt đầu nghi ngờ: "Người mà con yêu thương… có đáng tin không?". 

Khảo sát năm 2023 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc chỉ ra: Những lời so sánh giữa vợ chồng không chỉ rạn nứt tình cảm đôi lứa, mà còn phá vỡ cảm giác an toàn trong lòng con cái. Trẻ lớn lên giữa kỳ vọng và khinh miệt – dễ đánh mất lòng tự tôn, niềm tin vào tình thân bị bóp méo đến mức… hai mươi năm sau cũng chưa lành lại.

"Con giống hệt bố/mẹ, vô tích sự!"

Những lời lẽ mang tính công kích thế hệ không chỉ hằn sâu trong ký ức, mà còn khiến trẻ rối loạn nhận thức về bản thân. Trong kho dữ liệu trị liệu của Trung tâm Tư vấn Gia đình Đại học Vũ Hán, có đến 34% bệnh nhân thanh thiếu niên trầm cảm từng chứng kiến cha mẹ xúc phạm nhau, kéo theo cả ông bà tổ tiên.

Đứa trẻ đứng giữa hai dòng máu – không biết mình thuộc về ai, không biết mình có xứng đáng được yêu thương hay không.

"Tôi mà biết đời mình thành ra thế này, đã không cưới cô/anh rồi!"

Một câu nói như lưỡi dao cắt vào ký ức – và con chính là kết tinh của cuộc hôn nhân đó. Nên khi bố/mẹ phủ nhận lựa chọn của mình, trẻ có thể hiểu rằng: "Vậy thì mình cũng là một phần của sai lầm ấy".

Cũng trong thống kê từ Đại học Vũ Hán, 34% thanh thiếu niên trầm cảm từng nghe cha mẹ phủ định nhau, phủ định hôn nhân, phủ định sự tồn tại của gia đình. Và theo đường dây nóng hỗ trợ tâm lý thanh thiếu niên ở Quảng Châu, 42,6% ca tự tổn thương bắt nguồn từ chính những lời phủ định đầy cay nghiệt đó. Tỷ lệ này còn cao hơn cả áp lực học hành.

Trong cơn giận dữ, chúng ta có thể ném ra những câu nói như mũi dao – mà quên mất:

Ở phía bên kia là một trái tim bé bỏng, không có lớp giáp nào để chống đỡ.

Lần tới, khi cơn nóng giận trào lên đến miệng, hãy dừng lại 10 giây.

Chỉ 10 giây lặng im ấy… có thể cứu con khỏi 10 năm tổn thương và dằn vặt.

Link nội dung: https://khoedepvn.com/5-cau-noi-nay-khi-vo-chong-cai-nhau-se-huy-hoai-cuoc-doi-dua-tre-a85648.html