"Mẹ ơi, sao mẹ không cho con chơi điện thoại?" - Cách cha mẹ phản ứng quyết định 70% tính cách con khi lớn lên

Một phản ứng vô tình của cha mẹ hôm nay có thể ảnh hưởng cả hành trình trưởng thành mai sau của con trẻ.

Đậu Đậu - một cậu bé 6 tuổi, vừa cầm cuốn truyện tranh chạy đến chỗ mẹ, vừa liếc nhìn chiếc điện thoại đang sáng màn hình trên bàn trà. Không giấu được tò mò, cậu bé lên tiếng: " Mẹ ơi, con muốn chơi điện thoại".

Mẹ không rời mắt khỏi màn hình lập tức nói: " Không nên nhìn nhiều đâu, hại mắt lắm. Có gì hay đâu, con đọc truyện đi" . Thế nhưng, người đang say sưa xem điện thoại lại chính là mẹ. Đậu Đậu bặm môi hỏi lại: "Sao mẹ không cho con chơi điện thoại?". Và rồi, như bao lần khác, cậu bé liền bị mẹ gắt gỏng mắng một câu.

Tình huống tưởng chừng đơn giản nhưng phản ánh một thực tế không hiếm trong nhiều gia đình hiện nay: Trẻ con bị cấm đoán sử dụng thiết bị điện tử trong khi chính cha mẹ lại không rời chiếc điện thoại của mình. Và cách cha mẹ trả lời những câu hỏi "ngây thơ mà không hề ngây ngô" như thế này chính là hạt mầm gieo nên cách con cái sẽ trưởng thành.

"Mẹ ơi, sao mẹ không cho con chơi điện thoại?" - Cách cha mẹ phản ứng quyết định 70% tính cách con khi lớn lên- Ảnh 1.

Phản ứng của cha mẹ hôm nay quyết định phần lớn hành vi và cảm xúc của con trong tương lai (Ảnh minh hoạ)

Theo các nhà tâm lý học, việc ngăn cấm tuyệt đối thường tạo ra hiệu ứng trái cấm - điều bị cấm càng khiến trẻ khao khát khám phá. Khi nghe những lời như "điện thoại hại mắt", "xem nhiều sẽ mệt mỏi", trẻ sẽ không tiếp nhận theo kiểu lý trí, mà chỉ càng nảy sinh sự tò mò, thậm chí là phản kháng ngầm.

Điện thoại, trong mắt người lớn, có thể là công cụ làm việc hoặc giải trí. Nhưng với trẻ nhỏ, đó là một cánh cửa mới. Nếu chỉ chặn lại mà không hướng dẫn, sự kìm nén ấy sẽ âm ỉ và bùng nổ vào một thời điểm khó kiểm soát.

Các chuyên gia giáo dục khuyến nghị: Khi trẻ bày tỏ mong muốn được sử dụng thiết bị điện tử, điều đầu tiên cha mẹ nên làm không phải là nói "không" ngay lập tức , mà là lắng nghe con nói. Hãy thử quay sang và nhẹ nhàng hỏi: "Tại sao con lại muốn chơi điện thoại?", "Có chuyện gì mà con cần dùng đến điện thoại?"...

Những câu hỏi mở như vậy không chỉ giúp trẻ bộc lộ cảm xúc, thành thật hơn nhiều so với khi bị ngăn cản mà còn giúp cha mẹ hiểu được động cơ thật sự.

"Mẹ ơi, sao mẹ không cho con chơi điện thoại?" - Cách cha mẹ phản ứng quyết định 70% tính cách con khi lớn lên- Ảnh 2.

Đừng vội nói "Không" khi con muốn dùng điện thoại (Ảnh minh hoạ)

Thay vì áp đặt, hãy để con cùng xây dựng quy tắc. Đây là điều mà nhiều cha mẹ gọi là "hợp đồng tâm lý" - tức là khi trẻ được tham gia vào việc đưa ra giới hạn, chúng sẽ tự giác tuân thủ hơn nhiều.

Chẳng hạn, hai mẹ con có thể cùng vẽ một bảng quy định bằng giấy màu, viết rõ:

- Mỗi ngày chỉ được chơi điện thoại sau khi hoàn thành bài tập

- Không quá 40 phút một ngày

- Cuối tuần được chơi 1 tiếng

- Không chơi điện thoại khi ăn hoặc trước khi ngủ

- Tư thế ngồi phải đúng, giữ khoảng cách với màn hình

- Nếu vi phạm sẽ bị giảm thời gian chơi hôm sau

Khi trẻ thấy mình có quyền thương lượng, các quy định sẽ không còn là hình phạt từ người lớn mà trở thành "thỏa thuận" giữa hai bên. Điều đó dạy trẻ kỹ năng đàm phán, chịu trách nhiệm và biết rằng tự do luôn đi kèm giới hạn.

"Mẹ ơi, sao mẹ không cho con chơi điện thoại?" - Cách cha mẹ phản ứng quyết định 70% tính cách con khi lớn lên- Ảnh 3.

Cha mẹ càng la mắng, con càng phản ứng gay gắt (Ảnh minh hoạ)

Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy hoang mang khi thấy con dán mắt vào màn hình, lo sợ con "nghiện" điện thoại. Nhưng thực tế, điện thoại không phải kẻ thù. Điều quan trọng là cách sử dụng.

Trẻ con học bằng cách quan sát. Nếu hướng dẫn cách dùng đúng, trẻ sẽ hiểu rằng điện thoại không chỉ để chơi mà còn là công cụ học tập, khám phá, giao tiếp, từ đó học được cách tiếp cận công nghệ có chọn lọc.

Còn nếu chỉ có la mắng và cấm đoán, thì đừng ngạc nhiên nếu một ngày con phản ứng gay gắt, im lặng hay giấu giếm khi cầm điện thoại.

Trong hành trình nuôi con thời 4.0, mỗi chiếc điện thoại có thể là "địch thủ" nếu bị dùng sai cách, nhưng cũng có thể trở thành "đồng minh" nếu được hướng dẫn đúng mực. Quan trọng là cha mẹ phản ứng như thế nào: cấm đoán, hay đồng hành cùng con học cách sử dụng.

Theo Sohu

Link nội dung: https://khoedepvn.com/me-oi-sao-me-khong-cho-con-choi-dien-thoai-cach-cha-me-phan-ung-quyet-dinh-70-tinh-cach-con-khi-lon-len-a93158.html