Lan truyền tin sóng 5G gặp vắc xin COVID tạo ra chất... cắt mạch máu: Chuyên gia nói gì?

Thông tin trên được chia sẻ rất nhiều trong thời gian qua, chưa rõ thực hư của chuyện nay ra sao nhưng không ít người đã rất lo lắng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, thời gian gần đây bác sĩ nhận được rất nhiều tin nhắn và cuộc điện thoại trong tâm trạng hốt hoảng lo lắng khi đọc được thông tin mạng tiêm vắc xin Covid-19 gặp sóng 5G gây cắt mạch máu, hại tim mạch.

Bác sĩ Khanh khẳng định đây là thông tin bịa đặt không có cơ sở khoa học. Không rõ mục đích của người chia sẻ thông tin này là gì?

"Vắc xin nào ra đời là để bảo vệ con người khỏi các bệnh tật truyền nhiễm. Rõ ràng không có liên quan gì giữa sóng 5G với vắc xin để tạo ra chất gây hại. Người dân khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội cần bình tĩnh đánh giá, tìm hiểu không nên vội vàng tin và chia sẻ những thông tin không có cơ sở khoa học", bác sĩ Khanh nói.

Lan truyền tin sóng 5G gặp vắc xin COVID tạo ra chất... cắt mạch máu: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Hình ảnh tin nhắc bác sĩ Khanh nhận được.

Đồng quan điểm với bác sĩ Khanh, Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Khoa Laser - Khu điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện 108 (đang theo dõi và điều trị online cho hơn 1000 F0) cho biết: "Thông tin tiêm vắc xin Covid-19 gặp sóng 5G tạo ra chất gây cắt mạch máu hại tim là thông tin không có cơ sở khoa học. Thực tế vắc xin Covid-19 từ khi ra đời đã mang lại rất nhiều lợi ích trong công tác phòng chống dịch bệnh, để xã hội đang dần trở lại cuộc sống bình thường".

Tiêm vắc xin Covid-19 sẽ tránh được nguy cơ mắc bệnh và giảm được nguy cơ mắc chuyển biến nặng cần phải nhập viện. Hiện nay, tất cả các loại vắc xin Covid-19 được WHO công nhận đều đã cho thấy tính hiệu quả và an toàn trong việc phòng ngừa Covid-19.

Trong quá trình phát triển, các loại vaccine này đều được đánh giá cẩn thận trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng và chỉ được cấp phép hoặc phê duyệt nếu vắc xin ngăn ngừa đáng kể khả năng nhiễm Covid-19.

Dựa trên những gì đã biết về vắc-xin đối với các bệnh khác và dữ liệu ban đầu từ các thử nghiệm lâm sàng, các chuyên gia tin rằng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cũng giúp ngăn ngừa khả năng bị bệnh nặng ngay cả khi đang nhiễm Covid-19.

Tiêm phòng cũng giúp bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng do Covid-19 . Tiêm chủng Covid-19 là cách an toàn nhất giúp tạo hàng rào bảo vệ.

"Các thử nghiệm lâm sàng đối với tất cả các loại vắc xin trước tiên đã cho thấy vắc xin an toàn và hiệu quả trước khi được cấp phép hoặc phê duyệt để sử dụng, bao gồm vắc xin ngừa Covid-19", bác sĩ Tuấn Anh nói.

Theo các chuyên gia tiêm vắc xin Covid-19 là công cụ quan trọng để giúp ngăn chặn đại dịch.

Không có loại vắc xin ngừa Covid-19 nào có thể khiến quý vị bị bệnh Covid-19. Không có loại vắcxin Covid-19 nào chứa virút còn sống của loại virút gây bệnh Covid-19, do đó vắc xin Covid-19 không thể khiến người tiêm mắc bệnh Covid-19.

Sau tiêm vắc xin Covid sẽ gặp phải những phản ứng sau tiêm thường ở mức độ nhẹ đến trung bình như: sưng, đỏ tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ hoặc đau khớp. Tuy nhiên, các phản ứng này là một dấu hiệu tốt cho thấy vắc xin và hệ thống miễn dịch trong cơ thể bạn đang hoạt động. Các triệu chứng sau tiêm thường kéo dài không quá 1 tuần.

https://soha.vn/lan-truyen-tin-don-song-5g-gap-vac-xin-covid-tao-ra-chat-cat-mach-mau-chuyen-gia-noi-gi-2022031611103942.htm