Bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3 cho hay: “Rau xanh – đặc biệt là các loại rau ăn sống như xà lách, rau thơm, rau mùi – từ lâu được xem là biểu tượng của ăn uống sạch và lành mạnh. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, trong chính những đĩa rau tưởng chừng vô hại ấy lại có thể tồn tại vi nhựa – loại chất ô nhiễm siêu nhỏ đang ngày càng hiện diện trong môi trường sống và cả thực phẩm chúng ta tiêu thụ hằng ngày”.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports đã phát hiện vi nhựa trong tất cả các mẫu rau xà lách được trồng tại vườn đô thị ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Hàm lượng vi nhựa trung bình có trong mẫu rau xà lách thấp nhất là 6,3 hạt/gram và cao nhất là 29,4 hạt/gram. Đặc biệt, các mẫu từ khu vực có mật độ giao thông cao có mức nhiễm vi nhựa cao hơn.
Theo VnEconomy, vi nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các loại rau ăn lá phổ biến như xà lách, rau bina... được liệt kê trong danh sách có nguy cơ nhiễm vi nhựa cao.

Rau xanh nhiềm vi nhựa.
Vì sao rau xanh có thể nhiễm vi nhựa?
Theo bác sĩ Duy, vi nhựa (microplastics) là những mảnh nhựa siêu nhỏ, thường có kích thước dưới 5mm (đa số nhỏ hơn 1mm), hình thành từ sự phân rã của các sản phẩm nhựa lớn hoặc xuất hiện trực tiếp trong quá trình sản xuất công nghiệp. Trong tự nhiên, vi nhựa hiện diện ở khắp nơi – từ đất, nước, không khí cho tới sinh vật biển và giờ đây là cả rau củ quả.
Với cây trồng, đặc biệt là rau ăn lá, vi nhựa có thể xâm nhập từ nhiều nguồn: đất trồng bị ô nhiễm do màng phủ nông nghiệp, rác nhựa phân hủy; nước tưới nhiễm nhựa; không khí bụi bẩn lắng đọng lên bề mặt rau; hoặc vi nhựa từ bao bì, dụng cụ đóng gói tiếp xúc với rau trong quá trình thu hoạch và vận chuyển. Thậm chí, một số nghiên cứu cho thấy rễ cây có thể hấp thụ các hạt nhựa siêu nhỏ rồi vận chuyển dần lên phần thân và lá.
Vi nhựa trong rau xanh có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Bác sĩ Duy cho biết: “Hiện tại, các nghiên cứu về ảnh hưởng của vi nhựa đối với cơ thể người vẫn đang tiếp tục được mở rộng. Tuy nhiên, một số dấu hiệu ban đầu đã khiến giới chuyên môn không thể chủ quan. Vi nhựa có khả năng mang theo nhiều tác nhân gây hại như kim loại nặng, vi khuẩn và các chất hóa học như BPA, phthalates – vốn là những chất có khả năng gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến gan, thận và thậm chí cả hệ thần kinh”.
Trong hệ tiêu hóa, vi nhựa có thể gây tổn thương niêm mạc ruột, gây viêm, cản trở hấp thu dinh dưỡng. Các hạt nano nhựa còn có khả năng xuyên qua hàng rào tế bào và đi vào máu, từ đó tích tụ tại gan, thận hoặc các cơ quan khác, gây ảnh hưởng về lâu dài mà hiện vẫn chưa lường hết được.
Cách giảm nguy cơ phơi nhiễm vi nhựa
Theo bác sĩ Duy, vi nhựa hiện diện phổ biến nhưng người dân hoàn toàn có thể chủ động giảm nguy cơ phơi nhiễm qua những thói quen đơn giản như sau:
- Hãy rửa rau kỹ bằng vòi nước sạch, vòi nước chảy mạnh, chà nhẹ bề mặt lá (nếu có thể) để tăng hiệu quả loại bỏ vi nhựa bám dính;
- Ngâm với nước muối loãng hoặc nước vo gạo khoảng 15–20 phút để làm sạch vi nhựa bám trên bề mặt;
- Ưu tiên chọn rau từ các nguồn uy tín, rau hữu cơ hoặc canh tác kiểm soát an toàn, đặc biệt với những loại rau ăn sống như xà lách, cải xoong, diếp cá;
- Nên hạn chế bảo quản rau trong túi nilon lâu ngày, nhất là khi tiếp xúc với ánh nắng hoặc nguồn nhiệt. Thay vào đó, hãy sử dụng hộp thủy tinh, túi vải hoặc các loại bao bì sinh học thân thiện với môi trường.
Hạn chế phát tán vi nhựa từ gốc
Không chỉ dừng lại ở việc rửa sạch rau, muốn bảo vệ sức khỏe bền vững hơn bác sĩ Duy cho rằng mỗi người cần ý thức giảm phát thải vi nhựa ra môi trường ngay từ gốc.
- Hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần;
- Phân loại rác đúng cách;
- Không vứt rác nhựa bừa bãi ra sông, hồ, cánh đồng…
Đây là những hành động thiết thực giúp giảm thiểu ô nhiễm nhựa trong đất và nước.
Bên cạnh đó, việc ủng hộ các mô hình nông nghiệp xanh – như trồng rau bằng phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng màng phủ nhựa hay thuốc trừ sâu hóa học – cũng là cách mỗi người góp phần thúc đẩy một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, ít vi nhựa và an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
“Rau xanh là thực phẩm thiết yếu, nhưng để món ăn lành mạnh này thật sự an toàn, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen lựa chọn và chế biến. Trong bối cảnh ô nhiễm vi nhựa ngày càng gia tăng, việc hiểu đúng vấn đề, hành động có ý thức và truyền thông kiến thức cho cộng đồng là yếu tố then chốt để giảm thiểu rủi ro sức khỏe và bảo vệ môi trường sống lâu dài”, bác sĩ Duy cho hay.